Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình

Chiều 19/3, VKS hoàn tất luận tội đối với bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

VKS đánh giá bà Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch.

VKS đánh giá bà Trương Mỹ Lan phạm tội nhiều lần, tội danh đặc biệt nghiêm trọng... nên cần có hình phạt nghiêm, loại bỏ bị cáo ra khỏi xã hội. Ảnh: TL

Tuy nhiên, bị cáo phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức, không thành khẩn, khai báo quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới, hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi.

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan mức án 20 năm tù về tội đưa hối lộ; 19 đến 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt bị cáo bị đề nghị là tử hình.

Sau phút mất bình tĩnh, ngã quỵ, bà Lan được phép ngồi thay vì phải đứng nghe VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án. Trong nhiều giờ sau đó, bà luôn cúi đầu, vẻ mệt mỏi.

Điều kiện để không bị tuyên án tử hình

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, về nguyên tắc, bị cáo không có nghĩa vụ phải thừa nhận mình có tội, không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình.

Bào chữa là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Nghĩa vụ buộc tội thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, nếu có căn cứ buộc tội sẽ kết tội mà không phụ thuộc vào việc có lời khai nhận tội của bị cáo hay không.

Lời khai nhận tội chỉ có ý nghĩa để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt hay không, bị can không nhận tội không phải là căn cứ để tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, với những bị can rõ ràng là phạm tội nhưng vẫn chối tội, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn để có nhiều thời gian cải tạo giáo dục hơn, để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội.

Việc quyết định hình phạt không chỉ căn cứ vào tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ mà còn căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhận thức của người phạm tội, nhân thân của người phạm tội và căn cứ vào các quy định của pháp luật về nguyên tắc áp dụng pháp luật hình sự.

Theo ông Cường, điều đáng chú ý trong vụ án này là VKS đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt tử hình đối với một số bị cáo.

Điều 40 Bộ luật hình sự quy định, tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp như: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Vị chuyên gia cho rằng, việc đề nghị áp dụng hình phạt đối với các bị cáo trong vụ án này mới đang là quan điểm của VKS. Quan điểm này có được HĐXX chấp nhận hay không sẽ căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.

Trên cơ sở đánh giá chứng cứ, HĐXX sẽ có mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo. Trường hợp không đồng ý với tội danh và hình phạt cũng như các biện pháp tư pháp, các biện pháp cưỡng chế, các bị cáo vẫn có quyền kháng cáo, VKS có quyền kháng nghị đối với bản án sơ thẩm.

HĐXX không chỉ nghe quan điểm buộc tội của VKS để kết luận giải quyết vụ việc mà còn lắng nghe quan điểm gỡ tội của các luật sư bào chữa cũng như quan điểm của các bị cáo đối với nội dung bản luận tội và bản cáo trạng của VKS.

Sau phần trình bày quan điểm bào chữa, đối đáp của các bên, HĐXX sẽ nghỉ án, sẽ đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ, áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án, sẽ xác định bị cáo có phạm tội hay không, nếu có đó là tội gì và áp dụng hình phạt nào cho phù hợp.

Chỉ có những trường hợp đủ điều kiện áp dụng hình phạt tử hình và HĐXX xét thấy cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội, xác định bị cáo không còn khả năng cải tạo giáo dục, mới áp dụng loại hình phạt đặc biệt này.